Tác giả Hoài Vũ tên thật Nguyễn Ðình Vọng (sinh 1935 tại Quảng Ngãi), nhưng sự nghiệp cách mạng và văn học gắn liền chủ yếu ở Nam Bộ. Cuộc đời ông đã đi qua chiến tranh gian khổ, kinh qua không ít trọng trách. Ông được chứng kiến đất nước đi lên từ trong gian lao đến chiến công rạng rỡ, từ khó khăn đến sự phát triển vượt bậc như hiện nay. Tất cả những điều ấy cứ thấm đẫm vào tâm hồn ông, cho ông cái nhìn nhân từ, rộng mở. Để từ đó, từng câu chuyện, từng nhân vật trong tác phẩm cứ thế vô tư bước từ ngòi bút qua trang sách mà đến với bạn đọc nhẹ nhàng, hồn hậu như là hơi thở.
Tác giả Hoài Vũ
Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong tập “Gái thời chiến” (tập truyện ngắn, 416 trang) là một lát cắt tỷ mẫn, khắc họa chân thực, sinh động cuộc sống, tâm lý và xu thế thời đại của người dân miền Nam anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ cô bé Thiệp (truyện ngắn Gái thời chiến) dù vừa ngấp nghé tuổi mới lớn, nhưng đã tràn đầy chí khí bảo vệ quê hương Củ Chi đất thép; đến sự tài năng, lòng quả cảm trong nhiệm vụ và tấm lòng đau đáu tình thương đối với bà con của người chiến sĩ biệt động tên Tám (truyện ngắn Người Sài Gòn); hay tấm lòng kiên trung của Hơ-ni, cô gái Đắc-Lây miền thượng (Hạt muối trên rừng); ... Mỗi câu chuyện xảy ra ở một địa danh khác nhau, tình huống phát triển tâm lý nhân vật đa chiều, phong phú là vậy, song, ở bất cứ truyện nào, ta cũng bắt gặp những câu chuyện thấm đẫm tình quân dân, nghĩa chiến sĩ với đồng bào ruột thịt.
Đến với “Hoa trong tuyết” (504 trang), đây là tập truyện dịch từ những tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc về đề tài tình yêu và quyền lực trong đời sống hiện đại. Mỗi truyện trong tuyển tập đều có những sắc thái riêng. Nếu như truyện Loạn luân của nhà văn Lỗ Nhan Châu là tấn bi kịch đời thường của giới văn nghệ sĩ tài năng, thì truyện Hoa trong tuyết của nhà văn Trần Xung lại là bức tranh buồn đau về thân phận con người do Cách mạng văn hóa gây ra. Hay Đèn lồng đỏ treo cao của nhà văn Tô Đồng đã được dựng thành phim điện ảnh. Nhưng khán giả xem phim vẫn không thể cảm nhận được hết những chi tiết độc đáo mà phim không thể chuyển tải.
Hai ấn phẩm "Gái thời chiến" và "Hoa trong tuyết" của tác giả Hoài Vũ
Hai tập “Gái thời chiến” và “Hoa trong tuyết” sẽ được NXB Hội Nhà văn và Mibooks phối hợp cùng trang Văn học Sài Gòn tổ chức giới thiệu ở TP Hồ Chí Minh, Long An và Trường Đại học Cửu Long tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.
Đôi nét về tác giả Hoài Vũ Nhà thơ, nhà văn, nhà báo, dịch giả Hoài Vũ từng là Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Ðịnh, Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được phân công làm nhiệm vụ Ủy viên Ban biên tập - Trưởng đại diện miền Nam Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn), Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng phụ trách tờ tiếng Hoa. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ chống Mỹ. Từ thời chiến tranh, bài thơ Vàm Cỏ Đông của ông viết từ chiến trường Nam Bộ, được nhạc sĩ Trương Quang Lục ở ngoài Bắc phổ nhạc nhanh chóng lan tỏa. Cũng với dòng sông lịch sử này Hoài Vũ còn có bài thơ Gửi miền hạ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát Anh ở đầu sông, em cuối sông quen thuộc. Trong khi đó nhạc sĩ Thuận Yến có hai tình khúc phổ thơ Hoài Vũ nổi tiếng là Đi trong hương tràm và Chia tay hoàng hôn (tên bài thơ là Hoàng hôn lặng lẽ). |